Thị trấn Tri Tôn, tỉnh An Giang là địa phương rất nổi tiếng với món cháo bò hấp dẫn.



Du khách thưởng thức món ăn này ngoài việc nhẩn nha nhai những lát thịt bò thái mỏng chín tái ửng hồng trải trên mặt tô cháo, còn được cảm nhận cái ngon của lòng bò. Nào miếng lá sách trắng đục vừa giòn vừa dai, nào miếng gan đăng đắng vị bùi, nào miếng phổi "phập phều" trong răng lạ miệng, và nữa những miếng phèo nhân nhẩn giòn dai, cùng miếng tủy bò béo ngậy, trong vị mặn cay của nước mắm gừng. 

Ăn cháo bò phải thong thả, bạn có thể nhẩn nha trò chuyện và từ từ nhâm nhi để tăng thêm cảm giác thèm ăn. Nếm một miếng nghe vị ngọt đậm đà, thơm ngon, khác hẳn với tô cháo lòng ở miệt đồng bằng rất xa. Sau đó, bạn thử gắp ít lá sách chấm vào chén nước mắm gừng cho vào miệng nghe dai dai, giòn giòn thật hấp dẫn, rồi tới miếng gan bùi bùi, khoanh phèo nhân nhẫn và lát huyết vừa mềm vừa ngọt đậm, không thể chê vào đâu được.Muốn cho hương vị thêm đậm đà, bạn có thể dùng kèm với giá sống và rau thơm, đặc biệt là trái trúc, một loại trái đặc hữu của vùng sơn địa Tịnh Biên và Tri Tôn. Trái này giống như trái chanh nhưng nồng, the hơn nhiều. Có thể nói trái trúc là “phần hồn” của tô cháo bò, dư vị chua thanh của nó sẽ thấm vào tô cháo và từng miếng thịt khiến cho người thưởng thức cảm thấy ngất ngây. Ai thích ăn chua cứ vắt thêm nước rồi thêm chút ớt, chút gừng đểvừa ăn vừa hít hà mới đã.



Cháo bò là món ăn vừa ngon vừa bổ dưỡng. Ai đã dùng một lần khó mà quên được cái chất dân dã nhưng thật đậm đà và thú vị.Cháo bò Tri Tôn chỉ có ba nơi bán, mà nơi ngon nhất là bên hông chợ. Vừa lạ vừa ngon vừa bổ dưỡng vừa rẻ , nên cháo bò Tri Tôn được nhiều khách phương xa tìm đến.









Ninh Giang, vùng quê thuộc tỉnh Hải Dương, lâu nay đã nổi danh với đặc sản bánh gai. Người dân vùng đồng bằng Bắc Bộ rất quen thuộc với món bánh gai, có nhiều vùng làm bánh gai như Nam Định, Thái Bình, Tuyên Quang nhưng bánh gai Ninh Giang có hương vị rất đặc biệt.



Để làm một chiếc bánh gai ngon phải rất công phu. Gạo để làm bánh phải lựa loại gạo nếp cái hoa vàng ngon, gạo phải ngâm nước qua đêm, để ráo nước rồi xay thành bột mịn. Bánh gai có màu đen đặc trưng của lá gai. Lá gai phơi khô, tước bỏ hết gân, thái nhỏ, luộc sau đó vắt kiệt nước và giã thật nhuyễn, trộn với bột và đường kết tinh làm vỏ bánh, khi trộn bột phải vắt nhiều lần cho thật dẻo. Làm nhân bánh cũng không kém phần công phu. Lựa loại đậu xanh ngon, đãi vỏ, hấp chín và giã đều và trộn với lạc, dừa, mứt bí, vừng, mỡ lợn, hạt sen, hương liệu thơm như dầu chuối. Đặc biệt mỡ lợn trộn vào nhân bánh phải chọn loại mỡ dày khổ, thái hình con chì, luộc chín, trộn đường rồi đem ủ vào chum, vại cho đến khi những miếng mỡ trắng, trong, giòn mới dùng được.


 Tạo nên hương thơm của bánh gai phải kể đến lá chuối khô dùng gói bánh. Gói bánh bằng nhiều lớp lá và hấp chín, do vậy bánh gai có thể để lâu ngày mà vẫn giữ được mùi thơm đặc trưng.



Bánh gai Ninh Giang cầu kỳ là vậy, nó mang hương vị riêng của miền quê Bắc Bộ, và chỉ Ninh Giang mới làm ra loại bánh có hương vị riêng và màu sắc của một đặc sản đã có từ bao đời nay.

Sưu tầm

Ai đã đến vùng sông nước Cửu Long một lần đều khó mà quên được hương vị 'đuông chà là' của Bến Tre, cốm dẹp Trà Vinh, bánh phồng tôm Sa Giang (Đồng Tháp) và món 'vịt nấu chao', thơm, ngậy, ngọt, bùi của Cần Thơ. Tất cả đã góp phần làm đẹp hơn nét 'văn hóa ẩm thực' của miệt vườn Nam Bộ.



Vịt nấu chao là một món ăn đặc trưng của Nam Bộ, nhưng không đâu có nhiều và ngon như ở Cần Thơ. Món ăn này không phải là 'cao lương mỹ vị' gì nhưng nó rất 'khoái khẩu' với mọi lớp người. Một cái lẩu 'vịt nấu chao' ăn kèm bún, mì sợi, rau xanh. Ngồi cùng vài người bạn nhâm nhi chút rượu đế, loại rượu gạo ngon 'sủi tăm' như của đất bắc, trong một buổi chiều mát mẻ thì còn gì thú bằng.
Nguyên liệu chính để nấu món này là thịt vịt (vịt ta hay vịt Xiêm, người bắc gọi là ngan), vịt làm xong, thoa ngoài da một lớp nước gừng và rượu. Chặt miếng vừa phải, ướp gia vị: chao trắng, bột ngọt, tỏi, tiêu, ớt, nước cốt dừa vừa đủ rồi đưa vào nấu. Khoai cau (khoai sọ) luộc vừa chín, bóc vỏ, chiên qua. Khi thịt vịt hầm vừa chín tới thì cho khoai, hành tây, nấm rơm búp vào để sôi khoảng 15 phút rồi nhấc xuống.

Khi ăn cho hỗn hợp vào lẩu để ngọn lửa liu riu. Các loại rau cải xanh, cải cúc, rau muống trắng, tàu hủ, bún tàu hay mì sợi cho xen lẫn vào, ăn tới đâu nhúng tới đó. Có người thích ăn thêm hột vịt lộn hay rau diếp cá, rau cần, cù nèo, giá đậu xanh... Vịt nấu chao phải ăn nóng mới ngon. Mỗi miếng thịt để lại trong ta dư vị ngọt, bùi, thơm, ngậy của chao, nước cốt dừa, vị nồng cay của gừng, tiêu, ớt, tỏi, vị dịu mát của các vị rau. Theo kinh nghiệm của dân gian thì thịt vịt thuộc loại 'khí âm' lạnh được thêm vào các vị 'khí dương' (nóng) của rượu, tiêu, tỏi, chao, ớt làm trung hòa tạo ra sự cân bằng âm dương rất có lợi cho sức khỏe.





Vịt nấu chao có mặt ở hầu hết các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long nhưng chưa nơi nào được chế biến công phu và ngon hơn ở Cần Thơ. Món này nếu được ăn trong những ngày đông giá lạnh ở miền bắc thì chắc sẽ thật tuyệt.



Sưu tầm


Những năm gần đây, lượng du khách đến Lạng Sơn ngày càng đông. Bên cạnh mục đích tham quan cảnh vật, mua đồ tại chợ Tân Thanh... hầu hết du khách không thể không thưởng thức một trong những đặc sản nổi tiếng ở đây, đó là  vịt quay Lạng Sơn.





Từ vịt Na Sầm, sản vật quý hiếm của Thất Khê nổi tiếng, nay đã phát triển thành đặc sản "vịt quay Lạng Sơn" của cả tỉnh. Thất Khê là thung lũng bảy khe suối trên vùng cao Lạng Sơn, nơi luôn sẵn gạo và vịt ngon. Phương pháp quay vịt có quy trình nhất quán, với các công đoạn tìm tòi, sáng tạo rất riêng biệt, yêu cầu tay nghề bếp núc điêu luyện.Vịt tơ béo được làm sạch mổ moi, nhồi lá mác mật vào bụng, để quay trên than hồng. Vừa quay vừa bôi mật ong lên da vịt hoặc bôi tẩm mật ong rồi chiên trong mỡ nước đang sôi, cho đến khi vàng ươm, chín đều. Thịt thơm phức, mềm, ngọt mà da giòn.
Khi ăn vịt quay, dân địa phương không bao giờ dùng nước mắm hay xì dầu. Họ có một loại nước chấm tự mình pha chế. Đó là thứ nước sóng sánh lấy từ bụng con vịt đã được quay chín cùng với một vài vị độc chiêu khác chỉ có nhà hàng biết với nhau thôi. Vịt quay hay nướng, không có nước chấm này, kém vị đi trông thấy.

Lúc này vịt được chặt ra từng miếng, hoặc dùng tay mà xé. Béo mà không ngậy. Ngọt mặn và có chút gì như nhân nhẩn chát, đắng của lá rừng. Ấy mới thực sự đặc sắc, hiếm ở đâu có. Bên bình rượu Bảo Sơn, trong tiết mưa dầm, se lạnh, ngồi với nhau trong liêu xiêu quán nhỏ biên giới, bạn sẽ cảm hết vị thơm ngon đậm đà của món đặc sản có một không hai của Lạng Sơn này.


Suốt từ chợ địa đầu Chi Lăng đến Đồng Đăng, Kỳ Lừa và khắp các chợ dọc quốc lộ 4, các sạp thức ăn chế biến sẵn luôn đầy ắp những con vịt vàng ruộm, thơm phức, thật bắt mắt. Những người bán hàng nơi đây cũng rất đon đả và mến khách. Đến đây, sau những buổi tham quan, du khách có thể ghé chân thưởng thức món vịt quay nổi tiếng mà hương vị đặc biệt của nó còn khiến chúng ta lưu luyến.

Sưu tầm


Bông điên điển mọc nhiều ở các vùng quê sông nước miền Tây Nam bộ. Người miệt quê thật ra cũng không hay ăn bông điên điển. Cây điên điển mọc dọc theo những tuyến kênh, cây điên điển mọc thành hàng, bông nở rộ thành chùm, ửng vàng chen lẫn sắc xanh của lá, rồi rụng, chẳng ai buồn nhìn. Vậy mà sau này nó bỗng trở thành món ăn, và hơn thế, lại như một kiểu đặc sản “cây nhà lá vườn”.

Món canh chua đã nấu sẵn từ bếp, bên trong chứa đủ các thức cần thiết – nào bạc hà, cà chua, giá chín, và quan trọng nhất là những con cá rô mập mạp lặn sâu bên dưới. Bên trên, nào rau om, rau thơm được rắc kín mặt, điểm thêm những lát ớt đỏ, trông thật hấp dẫn. Những chú cá rô để nguyên con, được gắp ra để vào đĩa nước mắm tỏi ớt, thứ nước mắm thơm ngon của vùng Phú Quốc, ngấm vào thịt của cá, làm cho miếng cá càng ngon hơn bao giờ hết. Với bông điên điển, người ta không bỏ sẵn trong canh, chỉ khi nào ăn thì mới gắp và nhúng vào nước canh đang sôi.

Bông điên điển có vị nhân nhẩn, chỉ ăn lúc hãy còn tươi, để lâu, bông trở nên đắng khó ăn. Không biết có phải tại người Sài Gòn xuống quê miền Tây lạ miệng nên khen ngon, chứ còn người tại chỗ thì lại bảo rằng: bông điên điển nhân nhẩn chẳng ai thèm! Nhưng, giống như cọng rau đắng, rau má, hay như tiêu, ớt… thứ nào càng đắng, càng cay, hễ không ăn thì thôi, bén mùi rồi thì lại bắt ghiền.


a- Nguyên liệu:
- Bông điên điển 500g
- Cá bông lau 500g
- Me vắt 50g
- Rau om
- Ngò gai
- Tỏi
- Nước mắm
-Đường
- Hạt nêm
b- Cách làm

- Cá bông lau làm sạch, xắt lát vừa ăn. 
- Bông điên điển nhặt bỏ cọng, rửa sạch. 
- Ớt sừng xắt lát mỏng. 
- Cho một lít nước vào nồi nấu cho me tan, nêm nước mắm, muối, đường và bột ngọt cho sôi, cho cá vào đến khi chín.- Cho bông điên điển vào tô, xếp cá lên sau cho chan nước canh đang sôi vào. 
- Tỏi bằm nhỏ, phi chín vàng.
-  Rắc tỏi phi, rau ôm, ngò gai xắt mỏng lên trên, dùng kèm nước mắm mặn.

Nước canh chua sôi lên là chan ngay vào bông, vì thế bông mang vị ngọt và giòn giòn, ăn với cơm nóng thì không gì có thể so sánh bằng.

Sưu tầm

"Phở là một thứ quà đặc biệt của Hà Nội, không phải chỉ riêng Hà Nội mới có đi đến nơi đâu cũng thấy phở , nhưng phở  ở Hà Nội mới ngon".






Sự ra đời của phở đến nay vẫn còn nhiều tranh cãi, có tài liệu cho rằng phở ra đời cách đây hàng trăm năm tại Nam Định, có tài liệu lại cho rằng phở có nguồn gốc từ món mỳ của Trung Quốc. Nhưng dù thế nào đi chăng nữa, phở từ khi ra đời cho đến tận ngày nay vẫn thuần tuý là đặc trưng của người Hà Nội với những thanh tao và truyền thống.


Phở Hà Nội xưa xuất xứ từ những gánh phở bò, gồm đầy đủ “chín - bắp - nạm - gầu”, chỉ đến những năm 50 của thế kỷ trước mới xuất hiện phở gà, phở tái. Tuy vậy, chỉ có phở bò chín là mang đầy đủ hương vị xưa nhất của phở Hà Nội. Tạo nên “hồn vía” cho bát phở chính là nước dùng, nước dùng trong món phở được ninh từ xương ống của bò cùng với một số gia vị. Hương vị thơm ngon của nước dùng chủ yếu là do các loại gia vị quyết định. Tuy nhiên, công thức của từng loại nước dùng cụ thể cho từng hiệu phở được giữ khá bí mật.


                               
Mặc dù vậy, có thể cảm nhận thấy mùi thơm của các loại gia vị thảo quả, gừng, đại hồi, đinh hương, hạt ngò gai, quế, hànhkhô, và vị ngọt thanh tao của xương ống, sá sùng, tôm nõn. Không thể không kể đến thành phần chính của bát phở đó là những lát thịt bò chín thái

mỏng và những sợi bánh phở trắng, dẻo, to bản. Thêm vào đó nhúm hành, rau thơm, chút hạt tiêu bắc, và vài giọt chanh. Tất cả tạo nên hương vị của bát phở Hà Nội. Hiện nay, Hà Nội vẫn còn nhiều quán phở ngon nổi tiếng như quán phở ở phố Bát Đàn, phở mậu dịch ở Lý Quốc Sư, phở Tư Lùn ở Hai Bà Trưng, phở Cường ở Hàng Muối, hay phở Thìn Bờ Hồ.


Đến Hà Nội, thăm thú cảnh quan nơi đây và thưởng thức đặc sản Hà Thành với món phở truyền thống sẽ thấy nét đẹp ẩn giấu của Hà Nội xưa và nay. Một món ăn đã đi vào tiềm thức của người dân nơi đây.
                                                                                                                                             Sưu tầm