LIÊN HỆ



Bánh chưng đen là đặc sản của huyện miền núi Bắc Sơn -Lạng Sơn.Với người dân tộc Tày, đây là món không thể thiếu trên mâm cỗ cúng tổ tiên, trời đất mỗi vụ xuân về.

Bánh chưng đen được cha truyền, con nối qua nhiều thế hệ. Tháng 10 âm lịch, khi gặt vụ lúa mùa, người Bắc Sơn thường chọn những cọng rơm nếp, to, mọng, vàng đem về rửa sạch bằng nước khe núi trong vắt. Sau đó phơi khô rồi đốt thành tro, vò mịn, rây lấy phần mịn nhất của tro nếp...
Là chủ nhân của những cánh đồng lúa đặc sản, người Bắc Sơn chọn những giống lúa nếp thơm ngon nhất, sau khi ngâm nước, vo kỹ, vớt ra đem trộn với bột tro sao cho hạt gạo tròn mẩy được bao bọc bởi màu đen tro mịn.

Nhân bánh là đỗ xanh đượm hành, mỡ, hạt tiêu và thịt lợn.Lá dong rừng là loại lá được chọn để gói loại bánh này. Bánh được gói thành hình trụ dài khoảng 30 cm, đường kính độ 7 cm, dùng lạt dài cuốn quanh theo chiều ngang bánh cho chặt rồi được nấu bằng những cây củi đượm lửa nên có hương vị thơm ngon rất đặc trưng. Tết đến, ăn miếng bánh chưng đen, mùi gạo quyện với tro nếp mát, vừa dẻo, vừa ngọt làm người ăn như thưởng thức được cả mùi cỏ cây, ruộng đồng và đất trời.
Thêm một điều đặc biệt nữa là bánh chưng đen ăn không bị nóng cổ, nóng bụng như bánh chưng thường vì tro nếp đã khử mùi chua, độ nóng của gạo nếp...

Làm được bánh chưng đen phải là người khéo léo bởi vậy khi chọn lấy nàng dâu, người dân Bắc Sơn thường chú ý đến những cô gái biết làm những chiếc bánh tròn trịa, những đường lạt gói phải hằn đều lên thân bánh, tạo nên một chiếc bánh quánh đặc và đậm đà...

Du khách đến Lạng Sơn vào dịp xuân về, ngoài việc ngắm hoa mận, hoa đào nở,...bên cạnh những món đặc sản như vịt quay, phở chua.... ai cũng muốn thưởng thức món bánh chưng đen vừa lạ, vừa ngon. Người dân Lạng Sơn rất tự hào về món ăn này bởi trong đó như gửi gắm tâm hồn của cả một dân tộc.

Sưu tầm


Bánh thuẩn  đã là món bánh đặc sản của người dân xứ Quảng , bánh  mang tính truyền thống nên không thể thiếu trong nhà  trong mấy ngày tết , dùng để cúng  ông bà , tổ tiên cũng như mời khách . 

Việc làm bánh tết thường bắt đầu từ đầu tháng chạp.Vào khoảng thời gian này, không khí xuân như len lỏi trong từng nhà, đâu đâu trong xóm cũng thơm nồng hương bánh thuẫn.





a- Nguyên liệu :

- Bột nếp ( hoặc bột  gạo , hoặc bột bình tinh )

- Trứng ( trứng vịt hoặc trứng gà )

- Đường 



b- Cách làm

Để làm được mẻ bánh thơm ngon, giữ nguyên hương vị, phải chuẩn bị khá công phu từ khâu làm bột. Bột được làm từ củ bình tinh hoặc làm từ bột nếp hoặc bột gạo trộn với bột nếp .

Trứng vịt, bột được trút vào một cái chậu to, đánh lên cho thật nhuyễn. Đánh mạnh từ dưới lên trên từ trong ra ngoài, đánh càng nhiều, càng mạnh tay cho nổi bọt thì lúc đổ bánh mới ngon. Xong công việc chuẩn bị nguyên liệu thì nhóm lò lửa than, chuẩn bị khuôn đổ. Thường khuôn đổ bánh thuẫn được đúc bằng đồng, phía trong chia thành nhiều ô nhỏ. Tùy theo kích cỡ của khuôn mà số lượng ô để đổ bánh bên trong dao động từ 8-16 ô. Khi than đã đỏ, đặt khuôn đã thoa chút dầu phụng bên trong các ô. Đợi khuôn nóng, múc bột đổ đầy các ô rồi đậy kín, để trên lò than và đắp than trên mặt. Vài phút sau bột nở cao gấp đôi khuôn, ngả màu vàng là bánh đã chín. Nhanh tay dùng đũa nhọn lấy bánh ra. Đặt bánh lên nong tre, để trên bếp tro còn âm ỉ nóng, sấy cho bánh giòn.

c- Đặc điểm

Đặc trưng của bánh thuẫn là có vị mát của bột bình tinh, thanh ngọt dịu của đường và mùi thơm  bánh cứ thoang thoảng khi miếng bánh tan chảy nơi đầu lưỡi, ăn hoài không ngán.
Dù trải qua nhiều biến đổi, song tết cổ truyền vẫn tồn tại trong lòng mỗi người dân quê tôi với nhiều phong tục đẹp. Thau bột trắng toát, những lò lửa than đỏ rực..., tất cả như đã sẵn sàng để chờ đón một cái tết đầm ấm, thiêng liêng.  
 Sưu tầm