Đẻn hay còn gọi là rắn biển, từ xưa đã là món ăn bổ dưỡng đối với ngư dân, vì nó có thể trị được chứng nhức mỏi và mất ngủ… Những năm cuối thập niên 80, cùng lúc các thương nhân Trung Quốc sang Việt Nam thu mua đẻn khô về bào chế thuốc gia truyền, đẻn tươi bắt đầu xuất hiện tại một số nhà hàng ở TP. Vũng Tàu , Quảng Bình và trở thành món ăn đặc sản .



Ở biển có nhiều loại đẻn gồm: đẻn kim, đẻn cá, đẻn sọc, đen bông, đẻn gai. Mỗi loại đẻn khi chế biến có hương thơm và vị ngọt khác nhau. Chính vì thế, trong thực đơn luôn đứng ở vị trí hàng đầu. Các món đẻn thường được thực khách ưa chuộng là: cháo đẻn, đẻn hầm sả ớt, đẻn bằm xúc bánh đa, chả đẻn, đẻn nướng cuốn lá lốt và đẻn hầm thuốc bắc… Ngoài món rượu tiết và mật đẻn uống kèm, các "món độc" như rượu đầu đẻn, rượu pín đẻn chỉ nhận thực hiện theo đơn đặt hàng.
Để có được những bình rượu đẻn đủ bộ đạt chất lượng cao, ngư dân khi đi biển mang theo những bình rượu trắng để ngâm sống đẻn trực tiếp ngay ngoài khơi cùng với cá ngựa, hải sâm, hải long…
Sưu tầm

Nếu đến Nha Trang mà bỏ qua món bún sứa, xem như chưa biết hết biển Nha Trang.
Sứa để làm bún ở đây là loại nhỏ bằng đầu ngón chân cái hoặc ngón tay cái, màu trắng đục, thành dày, nhìn giống như cơm trái dừa nước. Loại sứa này thường do các ngư dân lành nghề vớt tận các đảo xa.

Nước dùng được nấu bằng cá liệt, loại cá chỉ lớn chừng ba ngón tay phần đuôi thắt lại trông như cái nơ nhỏ, không xương nhỏ và ngọt lừ. Ngoài ra còn có chả cá bao gồm các loại cá trứ danh: thu, nhồng, đối... được lóc xương lấy thịt quết đến nhuyễn và dai, sau đó vo thành viên nhỏ rồi hấp chín. Khi ăn, chỉ cần lấy bún, rau ghém, sứa đã rửa sạch và vài viên chả cá cho vào tô, chan nước dùng nóng hổi là đã thành tô bún ngọt vị cá, giòn tươi từng miếng sứa.
Món bún sứa xuất hiện ở nhiều nơi, nhưng bún sứa Nha Trang từ xưa đến nay là nổi tiếng nhất.
a-Nguyên liệu

- 100g sứa biển tươi
- 1 quả trứng gà
- 50g tôm sú
- 1,5 lít nước dùng cá
- Hành, ngò, khế, cà chua, thơm
- Rau thơm, hoa chuối, giá, bún tươi dùng kèm
- Gia vị: muối, đường, bột ngọt, nước mắm mặn, nước mắm dẻo Nha Trang pha sẵn

b-Cách làm
- Sứa tươi mua về, ngâm trong nước cho đến khi sứa nhả hết vị muối biển, rửa lại nhiều lần, cắt miếng vừa ăn nếu sứa to, để ráo.
- Tôm sú rửa sạch, bóc vỏ, bỏ chỉ đen. Nếu thích, có thể nấu thêm cá ngừ.
- Khế, cà chua, thơm cắt lát mỏng. Hành, ngò cắt khúc.

- Bắc nồi nước dùng cá lên bếp (được nấu từ đầu cá, xương cá), nấu sôi.
- Khi nước sôi, cho khế, cà chua, thơm vào nấu để tạo vị thơm chua tự nhiên, nêm muối, đường, nước mắm vừa ăn. Đập trứng gà, đánh tan, cho vào nước lèo, khuấy nhanh để tạo thành sợi, cho tôm, sứa vào nấu khoảng 7 phút là được. Cuối cùng, nêm thêm bột ngọt.
- Khi ăn, cho bún vào tô, xếp sứa, tôm lên rồi chế nước dùng nóng. 
- Dùng chung với rau thơm, hoa chuối. Chấm sứa với nước mắm dẻo sẽ ngon hơn.


Sưu tầm


Bánh cáy là đặc sản độc đáo của ruộng đồng Thái Bình, xưa chỉ được làm ra để phục vụ ngày tết cổ truyền dân tộc. Mọi thành phần làm nên bánh cáy đều là thành quả của công sức hai sương một nắng của người nông dân lao động trên mảnh đất thân yêu của mình. 


Nguyên liệu chính của bánh cáy được chế biến từ gạo nếp cái hoa vàng, loại lương thực quý nhất sinh ra từ mồ hôi con người trải qua bao vất vả trước nắng, gió... thiên nhiên.
Trong các nguyên liệu làm bánh cáy, trước hết phải kể tới bỏng nếp, cũng sinh ra từ thóc nếp rang nổ sảy bỏ trấu, rồi đến lạc, vừng rang chín bỏ vỏ, gừng già cạo vỏ xắt nhỏ và chút thịt nạc, mỡ lợn vừa đủ.

Khi ăn bánh cáy  ta bỏ giấy bọc, xắt bánh ra từng khoanh như xắt giò. Trên bốn cạnh của thoi bánh cáy,  các màu sắc nâu, vàng, đỏ, xanh trắng... nằm đan xen nhau như chào mời sự lưu ý của con mắt và gợi lên sự liên tưởng tới món "trứng cáy". Ngoài ra thực khách còn bị hấp dẫn bởi mùi vị ngon ngọt, ngầy ngậy thơm cay, mùi béo.. lan tỏa ra từ đĩa bánh quyện cùng hương sen, hương ngâu thoang thoảng của chén trà nóng bốc lên. Bánh cáy được làm trước hết để cúng tổ tiên, tỏ lòng thành kính, ghi nhớ công ơn ông cha đã khai phá đồng ruộng, chọn giống, cấy cày trồng trọt... Ngoài ra, người ta cũng dùng bánh cáy làm quà, biếu họ hàng, bè bạn thân thiết chút của ngon vật lạ quê hương. Từ đó bánh cáy đã trở thành đặc sản của một vùng quê lúa Thái Bình.


Sưu tầm